"Phương cách" hạn chế ngoại tình


Qua thực tiễn làm công tác tư vấn, tôi nhận được khá nhiều thắc mắc và yêu cầu “lạ lẫm” của khách hàng, đa số là nữ giới, họ đang loay hoay tìm giải pháp để “cắt đứt” hoặc hạn chế việc ngoại tình, cá biệt có trường hợp người vợ thỏa thuận lập “phòng nhì” cho chồng, kiểu “chung sống hòa bình với... ngoại tình”!


Để hạn chế việc ngoại tình của quý ông, không ít bà vợ tung ra nhiều chiêu thức lạ lùng. Nhưng liệu những “chiêu” ấy có giữ được chồng?


. Chiêu... lạ!

M., một khách hàng ở Tân Bình – TPHCM, xin tư vấn qua điện thoại: “Chồng tôi ngoại tình. Kết quả họ đã có với nhau một đứa con ba tháng tuổi. Lợi dụng việc có này, chồng tôi thường xuyên đến thăm con và thăm cả cô ấy. Tôi yêu cầu chồng tôi chấm dứt nhưng anh ấy bảo phải cho anh thời gian, vì hiện nay mẹ con cô ấy rất cần sự có mặt, chăm sóc của anh! Giờ đây, tôi có ý định thỏa thuận với người phụ nữ đó đem đứa bé về nhà tôi nuôi luôn, mục đích là để “giữ chân” chồng tôi, cắt đứt sự liên lạc giữa chồng tôi và người phụ nữ đó. Không biết tôi làm thế có được không?”.

Chị T. có chồng là tổng giám đốc một công ty liên doanh ở Khu Công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai, khi phát hiện chồng ngoại tình đã dùng đủ mọi cách để góp ý khuyên ngăn, nhưng chồng chị vẫn chứng nào tật ấy. Mới đây chị T. phát hiện chồng mình lấy tiền của gia đình chu cấp, mua xe, mua nhà cho nhân tình, chị T. càng điên tiết! Nhận thấy việc “quản” chồng quá khó, vì là tổng giám đốc anh ấy có đến 1.001 lý do để đi khỏi nhà, còn chuyện tình cảm thì không biết hiện nay anh nghĩ gì và có còn thương chị nữa không?... Chị T. nhờ luật sư tư vấn, soạn tờ thỏa thuận, cam kết giữa vợ và chồng, trong đó có nội dung chính: “Từ nay về sau hễ ai ngoại tình là không được chia tài sản, nếu ly hôn phải ra đi với hai bàn tay trắng!”, với mục đích là hạn chế việc ngoại tình của chồng hoặc ít ra nếu có mất chồng, chị cũng có tài sản để nuôi con, ổn định cuộc sống và để bù đắp “thiệt hại”...

Chị L., ở Bình Thạnh - TPHCM xin được tư vấn qua thư, trong thư có đoạn: “Vợ chồng tôi đang cơm không lành, canh không ngọt, mà nguyên nhân chủ yếu là do tôi sau giai đoạn mãn kinh có nhiều chứng bệnh phụ khoa, khiến tôi lãnh cảm, không đáp ứng được nhu cầu sinh lý của chồng. Biết rằng nếu để chồng “nhịn” quá lâu ông ấy sẽ ngoại tình hoặc đi ra ngoài “ăn bánh trả tiền”... và tôi thêm phần lo lắng. Tôi có ý định cho phép chồng được quyền có bạn tình, nhưng phải dắt “đối tượng” về để các bên giáp mặt nhau, với những thỏa thuận chặt chẽ, căn bản hai người chỉ được “gần nhau” những lúc ông nhà có nhu cầu, không được sống thành vợ chồng, không để có con, không yêu sách về của cải...”.

Và rồi tất cả đều băn khoăn: Tôi làm thế có được không? Văn bản ấy có giá trị pháp lý không? Có vi phạm pháp luật gì không?


. Cần phải thận trọng, cân nhắc!

Ở trường hợp thứ nhất, nếu người vợ thỏa thuận được với chồng và người phụ nữ ngoại tình đem đứa con riêng của chồng về nuôi dưỡng..., pháp luật không cấm. Tuy nhiên, việc nuôi con phải trên tinh thần nhân đạo, vì quyền và lợi ích của trẻ, chứ không phải vì một mục đích, động cơ nào khác. Thông thường, ngoại tình xuất phát từ trong tư tưởng, nên người chồng có tiếp tục ngoại tình hay không là vấn đề tư tưởng của anh ấy chứ không phải vì nghĩa vụ đến thăm con hay điều kiện “xa cách” giữa họ. Nếu người chồng biết lỗi, anh ấy sẽ tự chấm dứt ngay trong tư tưởng, thì dù có đến thăm con thường xuyên cũng không sao. Ngược lại, nếu anh ấy còn ý định ngoại tình, thì dù người vợ có nuôi con, họ vẫn cứ lén lút gặp nhau. Và phương cách nói trên vừa cực thân mà cũng không chắc giữ được chồng, nên xem ra cũng không có tác dụng.

Trường hợp thỏa thuận “ai ngoại tình là không được chia tài sản”. Trước hết phải nói rằng pháp luật hiện hành không có quy định người nào ngoại tình là không được chia hoặc bị mất tài sản, hay có lỗi dẫn đến ly hôn là không được chia tài sản... Cho nên việc lập văn bản thỏa thuận như thế là không phù hợp với quy định của pháp luật, nên sẽ không được công chứng hoặc chứng thực và đương nhiên không có giá trị pháp lý. Mặt khác, cho là các bên tự lập văn bản thỏa thuận “ngoại tình là không được chia tài sản” thì có thể tạo kẽ hở cho “đối phương” nào không cần tài sản. Khi ấy họ thoải mái ngoại tình, vô hình trung góp phần vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.

Còn việc thỏa thuận lập “phòng nhì”, để giải quyết nhu cầu sinh lý của chồng..., có thể chưa đủ coi là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Tuy nhiên, trong thực tế rất khó phân biệt và cũng không có ranh giới giữa việc quan hệ chỉ để giải quyết nhu cầu sinh lý với hành vi chung sống như vợ chồng. Mặt khác, dù rằng người vợ đồng ý, thêm vào đó là các bên có những thỏa thuận..., nhưng dù có chặt chẽ đến đâu cũng không thể bảo đảm thực thi, khi mà một hoặc cả hai bên cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, nhất là chuyện “không để có con” v.v... Cho nên đây là vấn đề mà pháp luật và đạo đức xã hội không khuyến khích.


Nguồn : Luật sư Huỳnh Minh Vũ _Theo Người Lao Động

Các bài liên quan




0 comments: