Vị pharaông trẻ nhất của Ai Cập và lời nguyền độc địa.


Cuộc đời của vị pharaông trẻ tuổi nhất Ai Cập cổ đại này vốn rất không xác thực, rõ ràng, còn ẩn chứa nhiều bí mật. Nhưng đến sáng ngày 4/11/1922, bức màn bí ẩn này đã được vén lên phần nào khi đội khảo cổ học của Carter đã tìm ra được lăng mộ của Tutankhamun đã bị thất lạc từ lâu. Với những nổ lực của Horemheb nhằm xóa sổ tên tuổi Tutankhamun khỏi lịch sử Ai Cập, việc tìm thấy lăng mộ của ông vào đầu thế kỷ 20 được đánh giá là một thành tựu nổi bậc của ngành khảo cổ học. Carter đã tìm kiếm Lăng mộ của Vua Tut trong vô vọng trong 5 năm liền, và khách hàng của ông, hầu tướng Carnarvon của nước Anh cũng cảm thấy chán nản, muốn cắt khoản tiền tài trợ.

Ngay sau khi tìm ra được lăng mộ, Carter lúc đó đã 48 tuổi, đã vội vã tuyển một số lao công đến khu lăng mộ. Trong ngày tiếp theo, họ đã vượt qua một cách cửa cao 3m rộng 2m, đi sâu vào 12 bước nữa thì gặp cánh cửa chính, cánh cửa này đã bị phong tỏa bởi những khối đá. Carter viết lại trong nhật ký của mình: “Tôi đã tìm thấy dấu niêm phong trên cánh cửa là bằng chứng xác nhận chủ nhân của lăng mộ, tuy nhiên lại không tìm thấy cái tên nào nữa... Tôi đã hết sức cẩn trọng khi phá cửa vào và xem xét những thứ bên trong.”

Carter đã cẩn thận đóng gói các khối đá phá ra và ngay lập tức gửi một bức điện tín đến hầu tước Carnarvon lúc này đang ở tại lâu đài Castle của ông: “Cuối cùng đã khám phá ra điều kỳ diệu ở khu lăng mộ, một lăng mộ nguy nga tráng lệ hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Ông hãy đến đây ngay khi có thể. Chúc mừng ông!” Ba tuần sau. Carnarvon, lúc này cũng đã 57 tuổi đã đến Ai Cập cùng với con gái của mình là Evelyn Herbert. Carter và đội tìm kiếm của ông lúc đó đã đào được thêm bốn bước, và càng hứng thú hơn khi biết được đây là khu lăng mộ chưa từng được khai phá và tìm thấy cái tên Tutankhamun.

Sau khi mở cánh cửa, họ đi vào một con đường địa đạo dài bằng đá cuội và gạch vỡ, phá tan các mảnh đá vôi và đá rắng, họ nhìn thấy những chiếc bình, lọ, chén bát vỡ, rõ ràng là bằng chứng của những cuộc tranh giành, và có lẽ tất cả bọn họ đều đã chết. Tuy nhiên, khi đi thêm một đoạn hành lang dài 10m, đến cuối hành lang, họ lại tìm thấy một cánh cửa thứ hai bị niêm phong chặt và có dấu niêm phong của vua Tut. Tìm thấy một lỗ hỗng phía trên tường ở góc trái, Carter thò tay đưa cây nến vào để soi những thứ bên trong. Tất cả những người ở đó, Carnarvon, con gái của ông, Arthur Callender, một kiến trúc sư và các kỹ sư, tất cả đều hồi hộp chờ đợi. Trong khoảnh khắc, Carter im bặt vì kinh ngạc, cuối cùng, ông thốt lên: “Thật tuyệt vời!” Sau khi lia cây nến khắp phòng để có tầm nhìn rộng hơn, Carter và Carnarvon đã nhìn thấy hình nộm một ông vua, những hình linh thú đầu chim ưng, một cái ngai vàng, những cỗ xe bị lật đổ, một con rắn mạ vàng, và “vàng – khắp nơi đều sáng rực bởi vàng”. Sau đó, Carter đã trấn tĩnh, tìm cách mở cách cửa đi vào “căn phòng chứa đầy của cải của một nền văn minh xa xôi.”

Carter phải mất đến 3 tháng để chụp ảnh lại và chùi rửa từng thứ một. Đến giữa tháng 2 năm 1923, sau khi đào phá cánh cửa bị niêm phong và đi vào trong lăng chính, ông đã đi qua một bức tường dày được đúc bằng vàng. Điều này chứng tỏ rằng, đây chính là lối vào chính của khu lăng mộ, và đúng là khu lăng tẩm quan trọng nhất dài 5m và rộng 3,5m. Trên tường là hình ảnh trang trí những thần tiên có cánh, những pharaông và những văn tự cổ. Bên trong là chiếc hòm bằng đá dát vàng của Tutankhamun.

Một căn phòng chứa đầy vàng bạc và những bức tường vẽ nhiều bức bích hoạ là nơi vua Tut an nghỉ sau khi băng hà sang thế giới bên kia, Carter tìm thấy xung quanh là tượng của thần Anubis với hình chó nằm, và thần giữ hương. Phía sau các bức tượng là một đền thờ lớn có chứa một cái hòm bằng đá, trong đó có những bộ phận lục phủ ngũ tạng của Tut như gan, dạ dày, ruột và phổi đã được sấy khô. Xung quanh là tượng bốn vị thần, mỗi bức cao 1m. Carter viết trong nhật ký của mình về tòa đền này là “Tôi chưa từng nhìn thấy đền thờ nào đẹp hơn, kỳ diệu hơn và đáng ngưỡng mộ hơn”.



Tương truyền, khi đi vào khu lăng mộ chính, người ta đã nhìn thấy một dòng chữ khắc trên lăng mộ được cho là lời nguyền của vua Tut: “Kẻ nào phá vỡ giấc ngủ bình yên của nhà vua, kẻ đó sẽ phải chết.” Vậy lời nguyền này có phải sự thật hay không?

Trùng hợp là chỉ 7 tuần sau khi khai phá lăng mộ chính, Carnarvon qua đời. Ngay lập lức, các nhà báo đã thổi phồng cái chết của ông thành một lời nguyền Pharaông rất đáng sợ. Những người mê tín dị đoan đã thổi phồng về cái chết của những người trong đoàn tìm kiếm này. Tiêu biểu là Marie Corelli, một nhà văn Scotland, không lâu sau khám phá của Carter đã viết một cuốn sách về việc bất cứ ai khi đi vào lăng mộ của vua Tut đều phải chết một cách bất ngờ và khó hiểu. Thực sự, các nhà khảo cổ học đã chứng minh là không hề có lời nguyền pharaông và cái chết của Carnarvon chỉ là do muỗi độc cắn, trước đó ông đã mắc chứng nhiễm trùng máu và bệnh viêm phổi khiến sức khỏe suy sụp.

Còn có một tranh cãi khác đưa ra bằng chứng về lời nguyền Pha-ra-ông là trong khi các lăng mộ trong khu Lăng mộ của hoàng gia đều bị đào bới hết thì lăng tẩm của vua Tut vẫn còn rất nguyên vẹn. Đến mấy nghìn tác phẩm thủ công mỹ nghệ và quan tài bằng vàng ròng còn được lưu lại nguyên vẹn trong mộ trong suốt 3000 năm. Vì sao lăng mộ của Tutankhamun lại có thể thoát khỏi số phận như những lăng mộ của các vị vua khác, những lăng mộ đã bị bọn đào mộ vét sạch chỉ vài trăm năm sau khi họ băng hà? Có rất nhiều nguyên nhân có thể lý giải điều này. Thứ nhất, vua Tut được chôn cất trong một lăng mộ có tầm cỡ nhỏ hơn so với những lăng mộ khác. Phía trước lăng mộ ông là một tòa lăng mộ hoàng gia lớn nhất, với những hành lang dài và nhiều căn phòng chứa đầy vàng bạc châu báu. Có lẽ, lăng mộ thật sự của ông, đến khi ông băng hà vẫn chưa hoàn thành, thế là vị vua trẻ bị chôn trong một hầm mộ nhỏ hơn nhiều dưới sự chỉ đạo của Tể tưởng Ay lúc bấy giờ đã lên làm pharaông. Thứ hai, sau đó, gần 200 năm sau khi Tut băng hà, lăng mộ của ông đã được phong tỏa bởi những lều trại của đội quân xây dựng mộ cho Ramses VI. Do đó, mộ của Tutankhamun đã bị vùi lấp, không có dấu hiệu được tìm thấy và bị lãng quên, nhờ đó mà được an toàn khỏi tay bọn đào trộm mộ.

Tuy nhiên, khi Carter tìm ra lăng mộ này, ông chắc chắn rằng, trong quá khứ, những tên trộm mộ đã phá vỡ vào lăng mộ này ít nhất là hai lần và đã lấy đi rất nhiều vàng bạc châu báu và đồ trang sức từ phòng dẫn vào đền thờ chính từ bên ngoài cũng là căn phòng thứ nhất mà Carter khám phá, nhỏ hơn, sát bên căn hầm chính. Chắc chắn, họ cũng như Carter đã nhìn qua lỗ hổng và nhìn thấy tất cả những thứ bên trong căn phòng cất giấu chiếc hòm bằng đá của vua Tut, nhưng sau đó, chúng đã nhận ra tài sản bên trong có giá trị ít hơn nhiều so với tài sản ở bên ngoài. Ngoài ra, chúng còn e ngại bởi lời nguyền pharaông với những ai dám quấy rối sự yên nghĩ của Pha-ra-ông. Sau mỗi lần bị đột nhập, những người bảo vệ khu lăng mộ lại niêm phong khu lăng lại. Theo ước tính của những bản kiểm kê người ta tìm thấy ở trong mộ, bọn đào trộm đã lấy đi đến 60% ngọc ngà châu báu ban đầu có trong mộ. Chỉ còn lại trong mộ hơn 200 mẫu trang sức, và bên trong vẫn còn hòm chứa xác vua Tutankhamun đã được ướp. Thêm vào đó còn có hàng trăm hiện vật như đồ gỗ, đồ dùng, vũ khí, quần áo, lương thực và rượu. Tất cả những thứ này đều dành cho pharaông sau khi sang thế giới bên kia, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.

Phải mất 2 năm và 8 tháng để di dời những hiện vật còn trong lăng mộ. Carter đã kỹ càng xem xét quan tài bằng vàng ròng của Tutankhamun nặng hơn 100 kg. Bên trong đó là xác ướp của vua Tut và mặt nạ bằng đá xanh. Chưa đến tháng 2 năm 1932, sau gần một thập kỷ tìm kiếm và khai phá lăng mộ, Carter đã hoàn thành chuyến tìm kiếm của mình và thu được tổng cộng 5398 hiện vật.


Theo : Tiếu Chi _ w4.60s.com.vn

Các bài liên quan




0 comments: