Học cách ghen


Khi thấy chồng chở một phụ nữ đi ngoài đường, hầu hết phụ nữ cảm thấy lo lo. Cảm xúc đó chính là ghen. Nhưng ghen như thế nào để vẫn đẹp trong mắt mọi người và giữ được tình yêu, hạnh phúc gia đình?

Trong tình huống trên, ngay cả khi “người ta” có vịn tay lên eo chồng, chị Mai Thy ở quận 3 - TPHCM cũng không lo lắng vì... vòng tay của chị ôm chặt hơn ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.


. Tin đúng đắn, ghen phù hợp giá trị bản thân

Với hơn 30 năm sống trong mái ấm hạnh phúc, vợ chồng thực sự tin tưởng nhau và có cách ứng xử giống nhau, chị Thy thổ lộ: “Ảnh vốn tốt bụng, hay giúp người khác. Khi ảnh về nhà, chị sẽ chọn lúc thích hợp để hỏi chuyện; mà có khi... chưa kịp hỏi, ảnh đã kể cho chị nghe. Phần chị, khi gặp bạn trai cũ cũng tay bắt mặt mừng, có người còn ôm chầm chị mừng rỡ; khi đi uống cà phê với họ, chị cũng kể cho chồng nghe trong tâm trạng rất thoải mái...”.

Nhớ về một kinh nghiệm thời làm cô dâu mới, chị Thy kể: Lần đó, trước mặt chị, cô đồng nghiệp trẻ bước đến bên chồng chị rồi nhún người và trìu mến nghiêng đầu chào: “Em về trước nhé!”. Ít lâu sau, chị “ghẹo” ông xã hệt theo cách ấy thì bị gắt: “Em làm cái gì vậy?”. Chị xấu hổ bảo rằng: “Thấy cô đồng nghiệp chào anh như vậy trông rất dễ thương nên em bắt chước, nhưng... cổ thì không sao, em thì bị la”. Chị cho biết chồng chị phản ứng như vậy vì quá bất ngờ với hành động “lạ”, rất khác thường của chị; hơn nữa, đó là hành động anh ấy “dị ứng” mà chị không biết và vô tình làm theo.

Về hành vi bắt chước khiến chồng lưu ý đến và sự so bì được-không, các nhà tâm lý nhận định rằng chị Thy đang ghen nhưng không nhận thức được điều này mà chỉ nghĩ là ghẹo chồng để thêm “gia vị” cho cuộc sống lứa đôi. Hành động ghen này không gây ra điều đáng tiếc, không đi ngược lại sự tin tưởng của người chồng, phù hợp với văn hóa và giá trị bản thân của chị Thy. Đó là một điển hình của sự lạc quan và đơn giản hóa các vấn đề trong cuộc sống, mà mấu chốt là niềm tin đúng đắn đã giúp chị đối diện với đời một cách bình an.


. Ghen “xã hội trắng”, quan hệ càng căng thẳng

Cuộc sống vốn muôn vẻ, không phải ai cũng được như chị Thy. Cách nay 7-8 tháng, trong một lần cùng bạn gái đi chơi, chị Út Phượng ở phường 11, quận 10 nhìn thấy chồng nói chuyện thân mật với một cô gái trong một nhà hàng. Lấy lại bình tĩnh, chị bước đến với lời chào độc chiêu: “Con chào ông bà”. Sau dăm ba câu hỏi thăm, chị lịch sự kiếu từ: “Con xin phép đi trước. Khi nào rảnh, mời ông bà đến nhà con chơi” khiến chồng chị phải tẽn tò. Chị Phượng kể: “Về nhà, ổng cứ tảng lờ. Chị cũng chẳng nói gì vì đã cảnh cáo tại trận rồi. Sau đó, chồng chị “tởn tới già” và nói với bạn bè rằng: “Tao sợ vợ tao quá rồi!”.

Lời mời “cảnh cáo” của chị Phượng tuy không gây ồn ào, làm mất thể diện ai và sau đó, chồng chị không liên lạc với cô gái kia, nhưng đã gây tác động tiêu cực về mặt tâm lý, giao tiếp giữa vợ chồng sẽ có khó khăn. Cánh nhà báo viết về tình yêu-hôn nhân gọi đó là kiểu ghen “xã hội trắng”; mà điển hình nhất là những trường hợp thường trực ở cơ quan chồng để giữ chồng làm ảnh hưởng đến công việc; hoặc nhờ lãnh đạo cơ quan, đoàn thể can thiệp và chồng phải chịu đựng những lời xầm xì, bàn tán...

. Không hời hợt và không ghen “xã hội đen”

Có khi vì quá hời hợt mà người vợ đã không ngăn chặn nguy cơ xấu. Suốt 20 năm lập gia đình, chị Thu Thủy ở Bình Thạnh luôn nghĩ chồng chị thuộc hàng “hiếm”, vì ngoài khuyết điểm hay đi nhậu, anh rất trách nhiệm với vợ con, nhiều lần đi làm về còn giành nấu ăn... Chị tin tưởng chồng đến nỗi... “thấy chồng chở người kia đi, chị chẳng nghĩ gì”.

Cách đây vài tháng, chồng chị ăn cơm xong liền nói chuyện điện thoại rất lâu nhưng chị vẫn không để ý. Tình cờ con trai thấy tin nhắn: “Em không dám nói chuyện chốn đông người. Anh đến quán cà phê Chợt Nhớ. Em chờ”, liền đưa chị xem. Chị ghi lại, sau đó hỏi mượn chồng điện thoại. Trong lúc xuống lầu, chồng chị xóa tin nhắn rồi chối: “Làm gì có tin nhắn hẹn hò”; “Người ta quấy phá, nhắn nhầm”... Sau khi nói chuyện thẳng thắn, bày tỏ tất cả suy nghĩ, cảm xúc của mình, chị Thủy viết nhật ký, để cho chồng “tình cờ” xem được, thấu hiểu tình cảm và những chăm sóc mà chị đã dành cho chồng con. Chồng chị tuy không nhận là có lỗi nhưng đề nghị làm lại từ đầu và không nhắc lại chuyện cũ nữa, rồi anh đổi số điện thoại...

Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp ghen bạo lực, ghen mạo hiểm thì rất đáng lo. Chị Mỹ Hương, ở gần Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, cho biết có trường hợp người vợ giỏi giang, lo kinh tế gia đình, bắt được thư tình trong túi chồng, liền đến gặp đối thủ rồi bán tất cả tài sản, dẫn con đi chơi, giao chồng lo cuộc sống gia đình. May mà người chồng tỉnh ngộ, cắt đứt quan hệ và chăm lo làm ăn nên con họ vẫn có được cuộc sống êm đẹp; nếu không thì...

Tại buổi tọa đàm về ghen do Nhà Văn hóa Phụ Nữ TPHCM tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, các nhà tâm lý khuyên chân tình rằng cánh nội tướng cố gắng đừng để chồng đi “bụi “. Khi có sự cố, không nên chăm bẵm vào việc ghen với người thứ ba mà cần hướng về hai đối tượng chính, là vợ và chồng, để tìm và “kê” lại những chỗ còn lệch nhau. Trước hết là không làm xấu bản thân cả về ngoại hình lẫn cách ứng xử; không bớt nói cười, bớt ngọt ngào... so với thường ngày. Hành vi ghen phải trong vòng pháp luật, “ghen sao mình vẫn là mình”, không làm tổn hại danh dự một ai, nếu phải chia tay thì vẫn có thể là bạn của nhau. Ghen lồng lộng, ghen trả thù, ghen bạo lực sẽ khiến bản thân xấu đi, ảnh hưởng thể chất và gây sang chấn tình cảm cho nhiều người và đẩy “người của mình” tiến gần kẻ thứ ba hơn.


(Theo Người Lao Động)

Các bài liên quan




0 comments: