10 Sự Kiện Gây Xôn Xao Dư Luận Năm 2007

Sập cầu Cần Thơ khi đang xây được xem là sự cố lớn nhất trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam. - 2007 - Năm có nhiều sự kiện gây chú ý đặc biệt với dư luận. Là hai vụ tai nạn lao động thảm khốc, là việc toàn dân làm quen với MBH, là những sự kiện “nóng” liên quan đến nhiều “VIP”, là hàng loạt vụ việc để lại hệ lụy đau lòng… Xin điểm lại 10 sự kiện xuất hiện dày đặc trên báo chí năm qua, có sức lan toả và tác động mạnh tới đời sống xã hội.



1. Thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ

7h45 sáng 26/9, 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), dài 90m, nặng hàng trăm tấn bất ngờ sập đổ, cướp đi 54 sinh mạng và làm bị thương 181 người. Vụ tai nạn kinh hoàng được coi là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam. Hãng thông tấn AFP đánh giá đây là 1 trong 10 thảm họa lớn nhất của loài người trong năm 2007.

Tai nạn tang thương này đã đánh thức triệu triệu con tim nhân ái của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, và làn sóng cứu trợ còn kéo dài đến suốt mấy tháng sau.

Gần 4 tháng sau ngày định mệnh 26/9, một vụ sụt lở núi lại xảy ra tại công trình thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An), vùi lấp 18 công nhân đang làm việc phía dưới. Đến lúc này, vẫn còn những nạn nhân bị chôn vùi dưới hàng trăm tấn đất đá, chưa được tìm thấy xác. Vụ tai nạn một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn cho người lao động.



2. Đột kích vũ trường New Century

1 giờ sáng ngày 28/4, gần 600 cảnh sát bất ngờ đột kích vũ trường New Century, chốn ăn chơi bậc nhất Hà Nội, tạm giữ hơn 1.160 người, gồm dân chơi và nhân viên vũ trường, thu giữ hàng loạt các chất ma túy, từ heroin, thuốc lắc đến cần sa…

Việc đột kích vào vũ trường lớn nhất miền Bắc này nằm trong chuyên án lớn triệt phá các tụ điểm ma túy nổi cộm của Bộ Công an, với sự tham gia của cả Cục cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (C22) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C17).

Dư chấn của vụ đột phá đã khiến nhiều quán bar, vũ trường dọc từ Bắc vào Nam sau đó đều đóng cửa hoặc tắt đèn trước 12h đêm. Việc quản lý lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này được siết chặt hơn. Và một thời gian dài, dân chơi Hà Nội vẫn còn chếnh choáng vì mất một tụ điểm vui chơi lớn.



3. Báo động bạo hành học đường

Dồn dập những vụ việc thầy cô giáo có hành vi phản giáo dục đối với học sinh, khiến hình ảnh người giáo viên phần nào méo mó trong mắt công luận. Hậu quả đau lòng từ hàng loạt vụ bạo hành học đường khiến dư luận vô cùng bất bình: Học sinh lớp 5 hoảng loạn tâm thần sau khi bị công an ép cung; trẻ mầm non phải sống đời thực vật vì bị cô giáo dán băng keo vào miệng; nam sinh lớp 6 uống thuốc sâu tự vẫn do bị nghi lấy trộm tiền; học sinh bị gãy xương mũi vì cô đánh; nhiều trẻ tiểu học ám ảnh sau khi bị thầy giáo xâm hại…

Báo chí, các nhà tâm lí, các nhà giáo dục đã lên tiếng, phân tích, đưa ra nhiều nguyên nhân lý giải cho những hành vi bạo hành học đường như sự bế tắc về phương pháp giáo dục, khả năng ứng xử kém, sự “hỏng hóc” ở khâu đào tạo, chưa đạt chuẩn trong việc tuyển giáo viên...

Bạo hành học đường được đưa lên bàn chất vấn Quốc hội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng bất đắc dĩ phải “kêu gọi” giáo viên nào không giữ được mình thì nên ra khỏi ngành. Nhưng cho đến những tháng cuối cùng của năm, danh sách những vụ “hành hạ” học trò vẫn nối dài.



4. Phá sản toàn diện Đề án 112

Ngày 19/4, Thủ tướng *************** chính thức “khai tử” Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước 112, sau hơn 5 năm triển khai (2001-2005) mà không đạt được bất cứ nội dung nào trong 5 mục tiêu đề ra. Đề án phá sản hoàn toàn với hậu quả để lại là hàng trăm tỷ đồng thất thoát; 17 cán bộ liên quan bị khởi tố (trong đó có nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng Ban điều hành Đề án 112 Vũ Đình Thuần); và một dấu hỏi lớn trong việc quản lý tài chính Nhà nước...

Điều đáng chú ý là sự thất bại của đề án lớn này đã được cảnh báo từ rất sớm (trong đó có lá thứ gửi Thủ tướng của GS Phan Đình Diệu từ tháng 8/2001) nhưng đáng tiếc không được quan tâm, điều chỉnh kịp thời mà tiếp tục lún sâu vào sai lầm.

Vấn đề tin học hoá quản lí hành chính là nhu cầu bức thiết, vẫn phải được tiếp tục thực hiện và Đề án 112 là bài học đau xót cho những dự án sau này rút kinh nghiệm.



5. Xét xử nhiều vụ án lớn, hàng chục “quan” tham xộ khám

Cuối tháng giêng, 8 cầu thủ “con cưng” của đội U23 Việt Nam lĩnh án vì “bán độ”.

Ngày 13/3, cha con, thầy trò nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu hầu tòa trong khuôn khổ vụ “chạy” quota ngành dệt may.

Ngày 24/3, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, Mạc Kim Tôn nhận 8 năm tù vì lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản qua việc “chạy đầu tư” trang thiết bị cho các trường học.

Ngày 28/6, 7 “ông vua cầm còi” và 2 huấn luyện viên hàng đầu của bóng đá Việt Nam ra trước vành móng ngựa trong vụ hối lộ trọng tài, mua chức vô địch, chạy suất trụ hạng tại các mùa giải V-league. Đầu tháng 8, mảng tội đánh bạc, “chạy án” của các sếp PMU18 được đưa ra xét xử, 5 “ông lớn” lĩnh án tù vì đưa nhận hối lộ…

Nhìn lại việc xử lý tham nhũng trong năm 2007, Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định là rất nghiêm, có tác dụng răn đe tốt, nhưng vẫn còn 4 vụ tham nhũng trọng điểm xét xử chậm tiến độ so với mục tiêu. Năm 2008, nhiều vụ tham nhũng “động trời” khác hứa hẹn sẽ lần lượt được đưa ra xét xử.



6. Mũ bảo hiểm chính thức đi vào cuộc sống

Những ngày cuối năm này, khắp trong Nam ngoài Bắc, đâu đâu cũng một câu chuyện về mũ bảo hiểm. Kể từ ngày 15/12, với Nghị định 32 của Chính phủ về việc bắt buộc mọi người dân phải đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, chiếc MBH đã chính thức trở thành một vật thiết yếu, gắn liền với đời sống nhân dân.

Suốt mấy tháng trước đó, MBH đã là một đề tài “nóng”, được dư luận, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Hình ảnh những dòng MBH trôi trên đường thậm chí còn được các hãng thông tấn nước ngoài đánh giá là “sự thay đổi đáng ngạc nhiên của giao thông Việt Nam”.

Chiếc MBH đã kéo theo nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống người dân, đồng thời “sản sinh” ra những ngành nghề mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến lúc này, chất lượng MBH vẫn là vấn đề lớn mà người dân đặc biệt quan tâm.



7. Ngược đãi trẻ giúp việc

Đầu tháng 11, câu chuyện cô bé làm thuê Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở đánh đập, nhục hình suốt 13 năm ngay giữa thủ đô Hà Nội, được đưa ra ánh sáng. Vụ việc không chỉ đơn giản là một vụ bạo hành trẻ làm thuê mà còn báo động về sự vô cảm giữa con người với con người. Một số cán bộ cơ sở đã bị bãi nhiệm và phê bình nghiêm khắc về thái độ im lặng, tránh né, thờ ơ trước cái ác.:MatCuoi (15):

Ngay sau đó, một loạt các vụ ngược đãi trẻ em cũng được đưa ra ánh sáng. Bé Bông (9 tuổi, ở TPHCM) bị “mẹ” dội nước sôi, đánh đập suốt 4 năm; bé Đen bị mẹ nuôi “dạy dỗ” bằng búa…

Bộ LĐ-TB&XH quyết định rà soát lại toàn bộ số trẻ giúp việc, làm thuê trên địa bàn Hà Nội nhưng đã quá hạn gần một tháng mà vẫn chưa thấy bóng dáng kết quả báo cáo. Trong khi chỉ ước tính, con số trẻ lang thang dễ bị lợi dụng, ngược đãi trong cả nước đã lên tới 12.000 em.



8. Diễn viên phim “Nhật kí Vàng Anh” bị phát tán

Đầu tháng 10, cả xã hội lên cơn “sốt” khi đoạn băng quay cảnh phòng the của nữ diễn viên trẻ Hoàng Thuỳ Linh bị tung lên mạng. Bộ phim truyền hình ăn khách “Nhật kí Vàng Anh” rất có ảnh hưởng tới đời sống giới trẻ, do nữ diễn viên này thủ vai chính, phải ngừng phát sóng.

Dư luận xôn xao hơn khi ngay sau đó, kênh VTV3, Đài truyền hình Việt Nam phát sóng một chương trình chia tay nữ diễn viên Thùy Linh với nhiều nước mắt, đặc biệt gây nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận.

Sự cố sex tuổi teen không đơn giản chỉ là chuyện cá nhân của một cô gái mà đã đánh thức lời cảnh báo về lối sống tình dục “cơ chế thoáng” ở giới trẻ. Các bậc phụ huynh giật mình khi thấy lớp trẻ quá thản nhiên đón nhận sự việc này và nhận ra giá trị đạo đức xã hội đã có nhiều thay đổi.

Hệ lụy phía sau scandal này là 4 sinh viên phát tán đoạn phim “nóng” bị khởi tố. Con số chưa dừng lại ở đó khi công an điều tra ra rằng những sinh viên trên chưa phải là người đầu tiên tung đoạn video sex lên mạng. Hàng tháng trời sau đó, lực lượng công an liên tục truy quét và bắt giữ các đối tượng bán đĩa “đen” dán nhãn “Nhật ký Vàng Anh”.

Trong khi đó, các nhà quản lý văn hóa vẫn trăn trở với câu hỏi: Blog, web cá nhân - siết chặt quản lý, cấm hay cho phát triển tự do?



9. Nước tương “đen”, dịch tiêu chảy cấp hoành hành

Giữa tháng 5/2007, người dân hết sức bức xúc khi biết hàng loạt nhãn hiệu nước tương chứa 3-MCPD vượt mức cho phép nhiều lần, có thể gây ung thư vẫn được bày bán trên thị trường.:MatCuoi (8): Điều khiến người dân “ngỡ ngàng” hơn chính là việc Sở Y tế TPHCM đã “ém nhẹm”, chậm công bố các cơ sở vi phạm cũng như thiếu trách nhiệm trong việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm sau này.

Vấn đề an toàn thực phẩm dấy lên nỗi lo lắng thực sự khi các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng, nhiều dịch bệnh lan rộng với những diễn biến phức tạp. “Tiêu điểm” là dịch tiêu chảy cấp hoành hành vào thời điểm tháng 10 và 11 tại 13 tỉnh, khiến gần 2.000 người phải nhập viện, trong đó 295 người dương tính với khuẩn tả.

Sau hơn một tháng nỗ lực dập dịch, dịch đã được khống chế và không có trường hợp nào tử vong. Nhưng một lần nữa vấn đề an toàn thực phẩm lại được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết khi chất lượng cuộc sống của người dân không được đảm bảo, thông tin dồn dập về cá tẩm urê, rau không sạch, nước tương “đen”... bày bán tràn lan mà các ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để.




10. Chỉ số giá tiêu dùng leo thang


Năm 2007, trong khi tăng trưởng kinh tế đã không thể đạt đến con số kỳ vọng 8,5% thì lạm phát lại vượt xa mục tiêu kiềm chế, lên đến 12,63% trong tháng 12. Nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra do Nhà nước đã không kiểm soát tốt nguồn cung ngoại tệ quá lớn đổ vào Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn bên cạnh những nguyên nhân khách quan như giá thế giới tăng.

Tốc độ tăng giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây tuy chưa phải là thảm họa với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhưng cũng đặt nền kinh tế đối mặt với những đe dọa không nhỏ.

Tỉ lệ tăng giá tính chung cho cả năm của một số nhóm mặt hàng thiết yếu:

Lương thực - thực phẩm
18,9%

Nhà ở-VLXD
17,92%

Phương tiện đi lại-bưu điện
7%

Dược phẩm-y tế
7,05%

Thiết bị gia dụng
5,15%

May mặc, giày dép
6,7%


(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Các bài liên quan




0 comments: